Định mệnh được nhiều người hiểu như là một sự sắp đặt dành riêng cho mỗi người trước khi được sinh ra đời và không thể thay đổi. Nhưng định mệnh xuất phát từ đâu, ai sắp đặt và ai điều hành nó và mục đích của định mệnh là để làm gì thì hiện nay vẫn chưa có ai giải thích được rõ ràng. Mặc dù vậy nhưng từ sâu thẳm trong lòng của nhiều người vẫn có thể cảm nhận được số mệnh của mình, nói như

vậy không có nghĩa là tất cả đều tin vào định mệnh vì có một số người không tin và không chấp nhận định mệnh. Định mệnh có thật hay chỉ là sự tưởng tượng của con người? Định mệnh là mê tín hay có thể giải thích được bằng khoa học?

Như đã trình bày trong chương II, để tìm hiểu sự thật trước tiên chúng ta phải tập hợp tất cả các thông tin đầu mối từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó chúng ta sẽ thấy được sự thật ẩn chứa bên trong. Với định mệnh chúng ta vẫn phải làm theo cách đó.

Định mệnh theo quan niệm của các tôn giáo phương Đông, nhất là Phật giáo cho rằng: số mệnh con người sở dĩ có được là do nhân quả báo ứng. Mọi việc thiện ác, tốt xấu, lành dữ của con người tạo ra trong tiền kiếp sẽ được phản hồi một cách tự nhiên tác động đến cuộc sống hiện tại. Quan niệm về luật nhân quả báo ứng của Phật giáo xem ra rất hợp lý nhưng vẫn hai điều không thể lý giải.

  • Thứ nhất, nếu không có một đấng quyền lực công lý nào điều hành việc đầu thai cho con người, tất nhiên các linh hồn sẽ tự do lựa chọn nơi chốn đầu thai cho chính mình. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng những linh hồn ác sẽ ức hiếp linh hồn thiện, tranh phần đầu thai vào những người mẹ thuộc các gia đình giàu có, sang trọng, quyền thế…Còn những linh hồn thiện vì không tranh nổi nên phải đầu thai vào những gia đình bất hạnh, nghèo khổ…Vô hình chung linh hồn xấu được hưởng phúc còn linh hồn tốt thì bị thiệt thòi. Vì vậy, quan niệm luật nhân quả của Phật giáo xem ra rất hợp lý nhưng không phát huy được hiệu quả và không tạo được sự công bằng.
  • Thứ hai, chúng ta nhận thấy rằng trong giáo lý Phật giáo không có Thượng Đế và không có bất cứ một thế lực linh thiêng nào dẫn dắt cho con người. Nếu đã vậy thì cũng sẽ không có ai tạo ra linh hồn, mà linh hồn đã có sẵn một cách tự nhiên khi con người được sinh ra. Điều này có thể hiểu linh hồn chỉ là hoạt động lý trí và tình cảm thuần túy của con người và là sản phẩm của tự nhiên, sau khi con người chết mọi thứ sẽ kết thúc. Mọi việc trong cuộc sống là do con người quyết định và tự chọn cho mình một con đường riêng không phụ thuộc vào bất cứ một vị Thần nào. Như vậy, nếu đã không có linh hồn thì sẽ không có luân hồi và những việc làm thiện ác của con người từ kiếp trước sẽ không được phản hồi đến kiếp này.

Người Hồi giáo xem định mệnh là một yếu tố rất quan trọng trong tín ngưỡng của họ. Theo quan điểm của Hồi giáo thì định mệnh của con người xuất phát từ ý muốn của Thượng Đế. Họ cho rằng, mỗi người trước khi sinh ra đều được Thượng Đế trang bị một định mệnh và định mệnh đó sẽ theo họ suốt đời không thay đổi. Chúng ta nhận ra rằng nếu chỉ vì ý muốn của mình mà Thượng Đế áp đặt định mệnh cho con người thì quả thật là bất hợp lý và không công bằng.

  • Thứ nhất, nếu chúng ta công nhận Thượng Đế là Đấng rất nhân từ và cao minh thì vì lý do nào mà Ngài đối xử bất công với những linh hồn do Ngài tạo ra. Có người thì được Ngài trao cho một định mệnh sung sướng, hạnh phúc, công danh, tài lộc thụ hưởng suốt đời không hết, còn có người thì Ngài trao cho một định mệnh nghèo hèn, khổ sở, bất hạnh suốt đời. Nếu không còn gì khuất mắt chung quanh vấn đề này thì quả thật Thượng Đế đã đối xử không công bình với loài người.
  • Thứ hai, vì sao Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người mà không cho con người tự thay đổi được nó? Nếu đã không thể thay đổi được, vậy con người có cần phải cố gắng sống tốt nữa không? Nếu con người sống tốt thì sẽ nhận được điều gì từ Thượng Đế khi mà mọi thứ điều do Ngài quyết định từ đầu và những điều răn được Thượng Đế mặc khải khuyên dạy chúng ta có còn cần thiết nữa không?

Định mệnh không được miêu tả rõ ràng trong Kinh thánh Kitô giáo, phần lớn các Kitô hữu cho rằng con người bị Thượng Đế trừng phạt là do Adam và Eva ăn trái cấm (trái biết điều thiện và điều ác) trong vườn Địa đàng. Quan niệm này được gọi là tội Tổ tông (nguyên tội). Quan niệm này cũng có hai điều không thể lý giải.

  • Thứ nhất, Kitô giáo quan niệm tội Tổ tông là sự trừng phạt, và mọi sự trừng phạt của Chúa là do tội lỗi của Adam và Eve chứ không phải do tội lỗi của chính mỗi con người gây ra sau đó. Nếu chúng ta cho rằng Thượng Đế chỉ biết có trừng phạt con người mà thôi, vậy những gì tốt đẹp mà con người có được thì do ai ban thưởng, hay chúng ta cho rằng sự dữ là do Thượng đế trừng phạt còn điều tốt làm là do con người tự tạo nên. Như vậy khái niệm về tội tổ tông của Kitô giáo chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực chứ không thấy được mặt tích cực của Thượng Đế dành cho loài người.
  • Thứ hai, chỉ vì tội của Tổ tông mà mãi cho đến nay Thượng Đế vẫn tiếp tục trừng phạt loài người thì quả thật là không công bình. Vì chúng ta biết rằng tính công bình là một tiêu chí lớn của Thượng Đế, nhưng vì sao Ngài lại hành xử một cách vô lý như vậy đối con người? Vậy ý nghĩa của tính công bình đang ở đâu và Ngài có thực sự quan tâm đến sự bình đẳng dành cho mọi linh hồn hay không? Với cách hành xử như vậy thì có phải là Đấng Thượng đế mà con người mong đợi hay không ?

Trước khi tiếp tục nói về định mệnh, chúng ta cần phải tìm hiểu quan niệm của một số tôn giáo về sự ban thưởng và trừng phạt của Thượng đế. Chúng ta biết rằng các nguyên nhân dẫn đến sự trừng phạt là xuất phát từ sợ hãi nên phải trả thù, để bảo vệ danh dự,  bảo vệ lợi ích hoặc vì ai đó không làm theo ý mình, bất tuân mệnh lệnh của mình nên phải trừng phạt. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi một khi đã là Thượng đế thì liệu người có còn phải sợ hãi bất kỳ ai khác hay bất cứ thứ gì không. Thượng đế có cần phải bảo vệ danh dự của mình không, vì không có bất kỳ ai, bất kỳ người nào có khả năng xúc phạm hoặc làm mất danh dự của Thượng đế. Còn về lợi ích thì chúng ta phải biết rằng Thượng đế là người sáng tạo vĩ đại, vậy hỏi Ngài còn thiếu thứ gì để cần phải bảo vệ. Riêng với ý nghĩ của chúng ta rằng, vì con người không làm theo ý hoặc bất tuân mệnh lệnh của Thượng đế nên bị Thượng đế trừng phạt thì lại càng không hợp lý. Bởi Thượng đế sáng tạo ra chúng ta và sáng tạo mọi thứ là dành cho chúng ta. Hơn hết Ngài còn cho chúng ta quyền tự do ý chí. Nếu đã là vậy, thì vì lý do gì Ngài còn bắt buộc chúng ta chọn lựa mọi theo ý Ngài, tuân phục Ngài, nghe theo lời Ngài bằng ngược lại thì sẽ bị trừng phạt. Đã là quyền tự do ý chí thì con người muốn chọn cái gì là phụ thuộc vào ý muốn của họ mới là hợp lý, họ chọn cái tốt hay cái xấu, việc thiện hay việc ác, cái bên trái hay bên phải đó là quyền của họ, cớ gì trừng phạt họ. Và một khi đã trừng phạt thì còn gì là tự do ý chí, đó không phải là tự do mà là sự cưỡng ép và Thượng đế này cũng không phải là Đấng Thượng đế mà con người tôn kính. Trường hợp, Thượng đế không trao quyền tự do ý chí và quyền tự do lựa chọn cho con người thì Thượng đế cũng không nên tạo ra những gì mà Ngài cho là xấu xa, tội lổi như thế mới là hợp lý, nhưng trên thực tế thì ngược lại. Còn một lý do khác mà Thượng đế không thể trừng phạt con người, vì Thượng đế và chúng ta là một, chúng ta là một phần của Thượng đế, trừng phạt con người tức là tự trừng phạt chính mình.

Quả thật, Thượng đế không can thiệp hoặc ngăn cản sự lựa chọn của con người, chúng ta toàn quyền quyết định từ ý muốn đến việc làm của mình. Thượng đế không trừng phạt bất kỳ ai trong chúng ta cho dù người đó vô cùng độc ác, cũng không ban thưởng cho bất kỳ ai trong chúng ta cho dù người đó vô cùng từ thiện Thượng đế vô thưởng, vô phạt . Chúng ta có quyền  chọn cho mình cách sống, chọn cho mình đường đi, chọn điều mình muốn và Thượng đế không bao giờ từ chối bất cứ sự chọn lựa nào của chúng ta cho dù đó là một chọn lựa nhỏ nhất. Thượng đế luôn đáp ứng mọi nhu cầu trãi nghiệm tự thân từ sự lựa chọn của chính mỗi người, và từ sự chọn lựa của mỗi người trong tiền kiếp sẽ phản ánh kết quả lên hiện tại. Hôm nay, ta chọn cái ác ngày sau ta sẽ sống trong sự dữ, hôm nay ta chọn cái thiện ngày sau ta sẽ sống trong phúc. Hôm nay ta sống bằng sự yêu thương, chia xẽ từ thiện tức là ta đã chọn được trãi nghiệm sự giàu sang, quyền quý trong tương lai, hôm nay ta sống trong ích kỷ, tư lợi, quay mặt với kẻ khó, làm ngơ với kẻ khổ, tức là ta đã chọn được trãi nghiệm cuộc sống nghèo khổ thất bại trong ngày sau. Nói chung công việc của Thượng đế là luôn đảm bảo cho tất cả mọi người, ai cũng được phép thực hiện những lựa chọn của mình. Từ đó, chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi việc xảy đến với chúng ta không phải là sự trừng phạt hay ban thưởng, mà là luật nhân quả. Hơn hết dưới con mắt Thượng đế thì tất cả mọi sự đau khổ hay hạnh phúc, thành công hay thất bại của con người trong hiện không là mãi mãi, mà nó chỉ những trãi nghiệm cần thiết giúp chúng ta tiến hóa để đạt được mục đích tốt đẹp cuối cùng.

Sau khi phân tích quan điểm của ba tôn giáo trên, chúng ta nhận thấy rằng các quan điểm của họ về số phận của con người còn rất nhiều điều bất cập. Nhưng một khi chúng ta kết hợp tất cả những quan điểm đó lại với nhau tự nhiên chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng thể rõ ràng hơn về số phận con người. Và định mệnh của con người sẽ được giải thích hợp lý và logic như sau:

  • Nguyên nhân Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người là xuất phát từ tội lỗi do những con người đầu tiên trên trái đất gây nên. Đây là quan điểm nguyên tội tổ tông của Kitô giáo.
  • Cơ sở để Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người dựa vào những việc làm của mỗi chúng ta trong tiền kiếp. Mọi hành vi thiện hoặc ác trong tiền kiếp sẽ được phản hồi bằng phúc hay họa lên kiếp hiện tại và điều này do Thượng Đế sắp đặt dựa trên luật nhân quả. Nhưng để thực hiện được lộ trình định mệnh cho con người thật công bằng, bắt buộc linh hồn của chúng ta phải luân hồi thì sự phản hồi từ kiếp trước mới đến được kiếp sau. Đây là quan điểm luân hồi chuyển thế, nhân quả tuần hoàn của Phật giáo.
  • Định mệnh của con người là do Thượng Đế sắp đặt và chính Ngài sẽ giám sát thực hiện lộ trình đó cho con người. Ngoài ra, định mệnh mà Thượng Đế đã sắp đặt cho con người trong kiếp sống hiện tại được xét dựa trên luật nhân quả phản hồi từ kiếp trước, mọi việc làm của chúng ta trong kiếp này sẽ định vị cho mọi điều xảy trong kiếp sau. Đây là quan điểm Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người và sẽ không thay đổi của Hồi giáo.

Ngoài ra để hiểu rõ thêm về định mệnh, chúng ta sẽ phân tích một câu trong Thiên kinh Qu’ran của người Hồi giáo. Nguyên văn đọan kinh như sau “Nhưng các ngươi không muốn đặng, trừ khi ALLAH muốn. Quả thật ALLAH toàn tri và rất mực cao minh” (SURAH AL – INSAN 30). Chúng ta phân tích câu kinh trên theo 3 đoạn sau đây:

Nhưng các ngươi không muốn đặng”

Đoạn kinh này Thượng Đế muốn nói cho con người biết cho dù muốn hay không muốn thì trong hiện tại mọi người vẫn phải bị chi phối bởi định mệnh (hay nói chính xác hơn là bị chi phối bởi luật nhân quả).

Trừ khi Allah muốn”

Riêng đoạn kinh này chúng ta thấy rằng Thượng Đế đã thể hiện một sự áp đặt và rất khó hiểu, nhưng thực ra khi hiểu biết được ý định của Thượng Đế chúng ta sẽ không còn thấy áp đặt và khó hiểu. Chúng ta biết rằng khi Thượng Đế trang bị cho chúng ta mỗi người một linh hồn, thì những linh hồn này chỉ có các chương trình phần mềm còn lại tiềm thức và tàng thức của chúng ta hoàn toàn trống rỗng, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Nhưng Thượng Đế đã cho chúng ta hoàn toàn tự do ý chí và trong kiếp đầu tiên và con người đã nảy sinh lòng ham muốn, tham vọng, ích kỷ, và độc ác. Khi đã tham lam ích kỷ và độc ác thì sẽ gây cho người khác thiệt hại, đau khổ, vì vậy Thượng Đế đã vận dụng luật nhân quả để sắp đặt định mệnh cho tất cả mọi người khi họ trải qua kiếp sống đầu tiên. Không thể nói rằngThượng Đế muốn sắp đặt định mệnh cho con người là để Ngài thể hiện quyền năng hay vì bất kỳ lợi ích gì cho Ngài, mà tất cả mọi lợi ích là dành cho con người (tất cả mọi lợi ích thiết thực của định mệnh sẽ tiếp tục phân tích thêm ở phần sau)

Quả thật Allah toàn tri và rất mực cao minh”

Loài người vì không hiểu được ý nghĩa của định mệnh nên nhiều người nghĩ rằng Thượng Đế tạo ra định mệnh cho con người để làm trò tiêu khiển. Nhưng khi chúng ta thực sự thấu hiểu ý nghĩa của định mệnh, chúng ta mới cảm nhận được Thượng Đế toàn tri và rất cao minh.

Nguồn gốc và nguyên nhân của định mệnh được hiểu như sau: Thượng đế sắp đặt định mệnh cho con người nguyên nhân chủ yếu là nhằm duy trì các lề luật tối thượng của vũ trụ và hơn hết cả là giúp con người tiến hóa. Thượng Đế không trang bị định mệnh cho những người đang sở hữu linh hồn mới, định mệnh chỉ thực sự có khi con người trải qua kiếp sống đầu tiên. Thượng Đế sắp đặt định mệnh trước khi một người ra đời và thực hiện lộ trình định mệnh cho con người trên cơ sở của luật nhân quả. Tất cả mọi hoạt động đời sống của chúng ta trong kiếp này là tiêu chí sắp đặt định mệnh cho kiếp sau. Vì vậy, luân hồi và định mệnh là cần thiết cho sự tiến hóa của con người.

Để hiểu rõ hơn Thượng Đế toàn tri và cao minh như thế nào khi Ngài quyết định tạo ra định mệnh cho con người, chúng ta tìm hiểu qua một vài ví dụ sau:

Ví dụ 1:

Benito Amilcare Andrea Mussonni (ngày 29/7/1883 – 28/4/1945), Thủ tướng độc tài cai trị phát-xít Ý, và Adolf Hitler (20/4/1889 – 30/4/1945), lãnh tụ độc tài phát-xit Đức là con người tiêu biểu cho tội ác hàng đầu thế giới. Trường hợp cho phép hai người này được đầu thai trở lại làm người một cách tự do, e rằng thế giới này sẽ không được bình yên vì tất cả mọi kiến thức sâu rộng về cách lãnh đạo, tính độc ác và sự độc tài của họ vẫn còn nguyên vẹn trong tàng thức. Nếu không được Thượng Đế sắp đặt định mệnh thì trong kiếp kế tiếp rất có thể một lần nữa họ sẽ thành công trong việc gieo rắc chiến tranh, chết chóc và thâu tóm thế giới. Định mệnh được Thượng Đế tạo ra sẽ phản hồi tất cả mọi việc làm của họ trong tiền kiếp, vì vậy trong kiếp sau rất có thể họ sẽ nghèo khổ, đau ốm, thất bại và luôn gặp điều bất hạnh…Với một cuộc sống như vậy nên nếu bản tính độc ác và tham vọng thống trị thế giới của họ có trỗi dậy họ cũng không thể nào thực hiện được ý định của mình. Sống cuộc đời nghèo khổ và bất hạnh triền miên qua một vài kiếp sẽ giúp họ thay đổi suy nghĩ và hướng thiện.

Ví dụ 2:

Kẻ sát nhân người Colombia – Pedro Alonso Lopez biệt danh quái vật vùng Andes đã sát hại hơn 300 thiếu nữ tại Colombia, Peru và Ecuador. Kẻ giết người khét tiếng người Nga Andiu Chikatilo đã từng hạ sát 53 phụ nữ và trẻ em. Kẻ hủy diệt người Ukraina– Anatoly – Ônpienk đã gây ra 52 vụ giết người. Với bản tính độc ác và dã man của những người này, nếu Thượng Đế không sắp đặt cho họ một định mệnh thì điều gì sẽ xảy ra cho cộng đồng sau khi họ tái sinh thật khó có thể tưởng tượng được. Định mệnh rất có thể sẽ sắp đặt họ bị sinh ra trong tật nguyền, đi đứng rất khó khăn và sống trong nghèo khó, bất hạnh thì dù sự độc ác trong lòng họ có trỗi dậy và muốn giết người thì chắc chắn họ cũng không thể thực hiện được. Sự công bằng của luật nhân quả đến từ kiếp sau sẽ giúp họ thay đổi bản tính độc ác của mình và dần hướng thiện.

Ví dụ 3:

Willian HENRY Gates III (Bill Gates) sinh ngày (28/10/1955) tại Seatle Hoa Kỳ, người đồng sáng lập tập đoàn phần mền Microsoft và cũng là người tạo ra những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực CNTT của thế giới.

Jackie Chan còn được gọi là Thành Long sinh ngày 7/4/1954 tại Hồng Kông rất nổi tiếng tại Hollywood. Hầu hết các phim của anh đều được công chiếu tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Hai người hoạt động trong hai lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung của họ là luôn làm việc, phấn đấu hết mình và cống hiến cho xã hội rất nhiều điều tốt đẹp. Họ làm việc cật lực để tạo ra tiền bạc của cải nhưng khi thành công họ đã không thụ hưởng một mình mà dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện. Công việc từ thiện của họ đã giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới và họ đã làm từ thiện bằng một tấm lòng nhân ái cao cả không vì tư lợi.

Trên thực tế, từ xưa đến nay đã và đang có rất nhiều người tốt bụng và hào phóng như thế xuất hiện khắp nơi trên thế giới mà chúng ta khó có thể kể hết ra đây. Nhưng đối với hai con người vừa kể trên thì chắc chắn trong kiếp tới Thượng Đế sẽ sắp đặt cho họ một định mệnh phản ánh đúng với những gì họ đã tạo ra trong kiếp này. Như vậy, tất nhiên là số mệnh của họ sau này sẽ vô cùng tốt đẹp vì họ xứng đáng được hưởng nhiều may mắn, hạnh phúc, giàu có, thành công và nổi tiếng hơn hiện tại, đó cũng là một điều hết sức hợp lý và công bình. Việc Thượng Đế tiếp tục cho những người này thành công và giàu có trong kiếp sau là vì rất có thể trong tương lai họ vẫn sẽ tiếp tục thể hiện tấm lòng nhân ái như hiện tại, tức là Ngài đã gián tiếp giúp cho nhiều người khác.

Thường thì những người giàu có luôn cố gắng tìm cách làm giàu thêm chỉ với mục đích hưởng thụ và tích lũy cho con cháu. Họ rất ít khi nghĩ đến những người xung quanh, vô tình họ sẽ sử dụng hết tài khoản (phúc đức) của mình và không tích lũy phúc đức cho tương lai (kiếp sau). Ít ai có lòng nhân ái như Bill Gate hay Thành Long. Vì thế, chúng ta có thể cho rằng những người như Bill Gate và Thành Long là nhóm người có tâm hồn tiến hóa cao.

Ví dụ 4:

Mahatma Gandhi, sinh ngày 2/10/1869 và mất ngày 30/1/1948 là anh hùng dân tộc Ấn Độ. Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân Anh bằng phong trào đấu tranh bất bạo động và giành độc lập cho Ấn độ năm 1947.

Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969), sinh tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An,Việt Nam, là một nhà hoạt động cách mạng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Người đã làm Chủ tịch nước Việt Nam từ 1945 đến 2/9/1969.

Trên đây chỉ là một vài mẫu người điển hình trong số rất nhiều người đã từng xuất hiện khắp nơi trên thế giới, mà tài đức của họ rất đáng để cho chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ.

Trong khuôn khổ của cuốn sách này, chúng ta không đề cập tới quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi, điều chúng ta quan tâm chính là lối sống đạo đức và nhân cách của họ. Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi cả hai luôn làm việc hết sức mình và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập, hạnh phúc và phát triển của dân tộc họ. Nhưng khi đã thành công và được nhiều người yêu mến, họ vẫn tiếp tục sống một cuộc sống bình thường, giản dị, tiết kiệm và gần gũi với mọi người. Đối với họ, việc hưởng thụ cho bản thân là điều không cần thiết, mong muốn lớn nhất của họ là thấy được đất nước và dân tộc của mình sống trong hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tự do.

Với những cống hiến và nhân cách đạo đức vượt trội như vậy thì chắc chắn Thượng Đế sẽ sắp đặt cho họ một định mệnh vô cùng tốt đẹp trong kiếp tới. Thượng Đế có thể cho họ đầu thai đến những đất nước lớn hơn, phát triển hơn để làm lãnh đạo và được nhiều người tôn trọng, yêu mến. Thượng Đế tiếp tục giúp đỡ những người này thành công và lãnh đạo một đất nước nào đó trên thế giới là Ngài gián tiếp giúp người dân nước đó có được một vị lãnh đạo tốt và yêu dân vì dân.

Đạo đức và nhân cách của Mahatma Gandhi và Hồ Chí Minh khiến chúng ta vô cùng khâm phục. Thông thường, quyền lực và vật chất rất dễ làm cho bản tính con người thay đổi, có thể ban đầu tư tưởng của người làm chính trị rất cao cả, nhưng sau khi thành công sự cám dỗ từ quyền lực và tiền bạc sẽ làm họ thay đổi cách sống. Nếu một linh hồn không được tu luyện liên tục trong nhiều kiếp sẽ khó giữ được phẩm chất và đạo đức như Hồ Chí Minh hay Mahatma Gandhi. Vì thế, chúng ta có thể cho rằng những người như Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi là nhóm người có tâm hồn tiến hóa rất cao.

Trong chúng ta rất nhiều người không mong muốn mình bị ràng buộc bởi định mệnh, nhưng thiết nghĩ với trình độ tiến hóa như hiện nay thì việc con người không được Thượng Đế sắp đặt định mệnh chưa chắc là điều tốt. Lý do là tất cả mọi suy nghĩ và mọi việc làm độc ác của con người tạo ra luôn được lưu giữ trong tàng thức và khi tái sinh họ sẽ dễ dàng tiếp tục hành động theo cái ác nếu không bị ràng buộc bởi định mệnh. Vì vậy, Thượng Đế phải sắp đặt định mệnh cho con người nhằm tạo điều kiện giúp đỡ những người có đạo đức và phẩm hạnh tốt tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp sẵn có trong tàng thức.

Chúng ta không nên nhầm tưởng Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người là Ngài điều khiển và khống chế tư duy của chúng ta như một cỗ máy. Định mệnh f không có nghĩa là con người không được tự do hành động theo ý mình. Nếu con người không có sự tự do ý chí thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, hơn nữa kế hoạch toàn tri của Thượng đế không còn ý nghĩa. Nhưng sự tự do ý chí để tạo ra những hành vi tốt hoặc xấu của chúng ta hôm nay sẽ được phản hồi lên định mệnh của chúng ta trong kiếp sau. Để thực hiện lộ trình định mệnh cho con người không phải lúc nào Thượng Đế và các Thiên Thần cũng can thiệp vào suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Thượng đế có nhiều cách để đưa con người đi vào lộ trình định mệnh và một trong những cách đó được thực hiện như sau:

Ví dụ: Trong cuộc sống chúng ta đã từng thấy có nhiều dòng tộc rất giỏi, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính trị, âm nhạc, kinh doanh, nghề truyền thống… Thường thì người ta cho rằng những người trong dòng tộc này giỏi là do gene di truyền. Thực ra, di truyền chỉ đóng góp một phần về thể chất và bộ não xử lý tốc độ nhanh. Phần còn lại là do Thượng Đế chọn từ những linh hồn có tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp trong tiền kiếp phù hợp với cha mẹ của linh hồn đó. Ngài sắp đặt như vậy là nhằm giúp đứa bé lớn lên cũng có năng khiếu nghề nghiệp giống như cha mẹ và về phần cha mẹ cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc giúp con cái theo đuổi nghề nghiệp của gia tộc. Trường hợp này là Thượng Đế vừa sắp đặt định mệnh vừa giúp con người có điều kiện tốt nhất để tiến hóa.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp con cái hoàn toàn không yêu thích công việc của cha mẹ mà sẽ theo đuổi một công việc khác, không hề giống với nghề nghiệp truyền thống gia đình. Nguyên nhân trong thời điểm người mẹ thụ thai, Thượng Đế không tìm thấy linh hồn nào có cả phúc đức và nghề nghiệp phù hợp với cha mẹ. Vì vậy, Ngài phải ưu tiên chọn một linh hồn có tiêu chuẩn phúc đức phù hợp với cha mẹ.

Có nhiều trường hợp thoáng nhìn thì phúc đức của cha mẹ và đứa con không phù hợp ngay từ lúc đứa bé sinh ra đời, ví dụ như trường hợp phá gia chi tử hoặc trường hợp cha mẹ giàu có nhưng sinh những đứa con không được bình thường. Thực ra, những trường hợp này vẫn là một sự sắp đặt chính xác của Thượng Đế từ luật nhân quả. Trường hợp, cha mẹ có đứa con phá gia chi tử vì phúc đức họ đã gặp vấn đề bởi tiền kiếp. Trường hợp cha mẹ có những đứa con không bình thường là vì phúc đức của họ không tốt trong đường con cái và tất cả chỉ là phản ánh hậu quả mà họ đã gây ra trong quá khứ. Ngoài ra, các Thiên Thần còn điều hành lộ trình định mệnh cho con người trực tiếp bằng siêu sóng não. Chúng ta thường cho rằng tất cả mọi suy nghĩ và mọi hành động của chúng ta là do tự mình quyết định.

Nhưng thực ra có nhiều lúc các Thiên Thần đã sử dụng đường truyền siêu sóng não để gởi thông tin trực tiếp vào não của con người hoặc điều động các thông tin có trong tiềm thức để con người đưa ra quyết định hành động theo ý muốn của họ.

Các Thiên Thần làm việc này một cách âm thầm khiến chúng ta ngỡ rằng tất cả mọi quyết định là của chính chúng ta. Tất cả các quyết định từ ý thức dẫn đến hành động của chúng ta khi được các Thiên Thần can thiệp dẫn đến thành hay bại, tốt hay xấu phụ thuộc vào định số của mỗi người. Những sự việc tương tự như thế khi xảy ra trong dân gian người ta thường nói là do trời xui đất khiến hay do quỹ thần xui khiến.

Trong thực tế, sự phản hồi của định luật nhân quả kỳ diệu và biến hóa không lường, chúng ta chỉ thấy được một phần trên bề nổi của tảng băng chìm. Hiện tại, chúng ta không thể biết hết được hết sự kỳ diệu của luật nhân quả. Vì lẽ đó, nên khi đề cập đến định mệnh chúng ta thường cho rằng Thượng đế đã vận dụng quyền lực tối cao của mình áp đặt định mệnh cho con người. Sử dụng quyền lực tối thượng của mình để trừng phạt những ai không tuân theo sự giáo huấn, đem đến đau khổ và địa ngục cho những ai không tin vào Thượng đế. Trên thực tế, Thượng đế chỉ là Đấng sáng tạo, Đấng yêu thương và dìu dắt chúng ta, là người quan sát. Ngài không trừng phạt hoặc thiên vị bất cứ người nào. Tất cả mọi việc làm của Ngài và các Thiên Thần là dựa vào luật nhân quả. Thực ra, định mệnh chỉ là một phần tất yếu của luật nhân quả một qui luật tối thượng của vũ trụ. Luật nhân quả có tầm ảnh hưởng lên toàn vũ trụ và nó luôn phản hồi mọi thứ một cách tự nhiên chân thật nhất và chính xác nhất.

Dưới đây là những phản hồi tự nhiên của luật nhân quả không cần có sự can thiệp của bất cứ một thế lực thần thánh nào. Ví dụ, khi con người tàn phá rừng, gây ô nhiểm nguồn không khí thì luật nhân quả sẽ phản hồi tiêu cực một cách tự nhiên làm thủng tầng o-zôn, trái đất nóng lên, tuyết tan nước biển dâng, hạn hán, bảo lũ.

Khi con người khai thác tài nguyên quá mức tác động đến cấu trúc địa tầng sẽ gây nên động đất sóng thần làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của chúng ta. Hay nói một cách khác các hiện tượng này là do chính con người tạo nên chứ không phải do ngẫu nhiên và đó chính là luật nhân quả. Một ví dụ dễ hiểu hơn, có những người cướp của giết người dã man, buôn bán ma túy hoặc làm chuyện phạm pháp và các vị quan tòa xử những người này ở tù hoặc tử hình. Vậy chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng các vị quan tòa đã làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, chứ không phải là họ sử dụng quyền lực để trừng phạt người phạm tội. Ngược lại, đã có không ít các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà văn, nhà hoạt động xã hội cống hiến cho xã hội nhiều công trình và nhiều việc làm hữu ích khác cho con người. Vì những việc làm của họ nên được xã hội tôn vinh và trong số đó có thể đã nhận giải thưởng Nobel, nhưng chúng ta không thể cho rằng những người trong hội đồng xét duyệt giải thưởng đã ban thưởng cho những người  nhận giải, mà họ chỉ làm công việc tôn vinh cụ thể. Từ trong ví dụ này chúng ta có thể thấy sự hiện diện của luật nhân quả và chúng ta có thể tự đưa ra nhận định Thượng đế vô thưởng vô phạt, mà tất cả mọi điều xảy ra là do chính con người tạo nên.

Riêng định mệnh của con người cũng được phản hồi bởi luật nhân quả, nhưng để giữ được sự công bằng tuyệt đối thì những gì nó phản hồi phải được Thượng đế sắp đặt và điều khiển lộ trình cho phù hợp với từng người. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong một vài trường hợp sau:

1) Ví dụ: Hôm nay vì bất cứ một lý do nào mà ta cố ý gây cho người khác mù đôi mắt, thì trong kiếp sau ta cũng sẽ bị đui mù. Thượng đế vận hành luật nhân quả như vậy là để cho ta tự trải nghiệm nỗi đau khổ của kẻ mù lòa mà ta đã từng đem lại cho người khác.

2) Ví dụ: Một nhà sản xuất khi làm ra một sản phẩm mà họ biết rằng sản phẩm đó có thể làm mất sức khỏe hoặc gây ung thư cho người tiêu dùng nhưng vì lợi nhuận họ bất chấp việc làm của mình. Vì vậy, theo luật nhân quả trong kiếp sau họ cũng sẽ bị ung thư để họ tự trải nghiệm nỗi đau của người bị bệnh ung thư.

3) Một nhà lãnh đạo cậy quyền ức hiếp nhân dân tham ô và nhũng nhiễu gây nhiểu đau khổ cho người khác, theo luật nhân quả kiếp sau người này cũng sẽ được trải nghiệm toàn bộ những gì mà họ đã đem lại cho người khác.

4)  Một người đang có một gia đình yên vui hạnh phúc nhưng người này ngoại tình đem đến cho người còn lại sự đau khổ. Theo luật nhân quả, thì vào kiếp sau thì người này cũng sẽ bị người tình hay người bạn đời mà họ rất yêu thương bất ngờ phản bội không có lý do một cách đau đớn, để họ tự trải nghiệm nỗi đau của người bị tình phụ là như thế nào.

5)  Ví dụ: Một đứa con bấ hiế, bất kính với cha mẹ tất nhiên trong kiếp sau đứa con này sẽ được trãi nghiệm nỗi đau của người làm cha mẹ bị con cái đối xử bất kính và bất hiếu.

6) Ví dụ: Hôm nay ta là người da trắng, nên ta luôn có thái độ kỳ thị với người da đen. Theo luật nhân quả thì ngày sau ta sẽ được là người da đen để trải nghiệm cái cảm giác bị người khác kỳ thị. Hôm nay ta giàu sang, nhưng ta luôn coi khinh người người nghèo khổ, ngày sau ta sẽ được là người nghèo khổ để trải nghiệm cái cảm giác người khác bị khinh bỉ. Hôm nay, ta tự cho mình là người thí thức thông minh và ta luôn coi thường người kém hơn ta và cho họ là kẻ ngu dốt, ngày sau ta sẽ được là người đần độn để trải nghiệm cái cảm giác bị người khác coi thường.

7) Ngược lại, ví dụ: Trong cuộc sống có người luôn cống hiến hết mình cho xã hội, luôn chia sẻ tình yêu, tiền của và giúp đỡ cho người khác vô điều kiện và từ những hành động của người này, có một số người đã vượt qua được khó khăn, và hưởng niềm vui hạnh phúc. Vì vậy, theo luật nhân quả thì kiếp sau người này sẽ được định mệnh tạo điều kiện để họ trải nghiệm cái niềm vui và hạnh phúc như họ đã từng mang lại cho người khác.

8) Ví dụ: có một người thầy đem đến cho các học trò của mình nhiều kiến thức bổ ích, mà chỉ dựa vào tình yêu và cống hiến đối với học trò. Theo luật nhân quả thì kiếp sau người này chẳng những sẽ nhận được nguồn kiến thức dồi dào, mà còn nhận được những gì mà các học trò đã đạt được (trong đó có thể là tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc v.v…) nhờ nguồn tri thức mà người thầy mang lại cho họ trong quá khứ.

Nói chung luật nhân quả rất biến hóa, chứ không phải là hôm nay ta giúp người khác tiền thì ngày sau ta mới nhận được tiền, không phải giúp người khác có được danh vọng thì ngày sau ta mới được danh vọng, không phải giúp người khác làm lảnh đạo ngày sau ta mới được làm lảnh đạo. Vì lẽ đó nên chúng ta chỉ cần sống sao cho hợp với đạo lý làm người, mình có lợi thì hãy để người khác cùng hưởng lợi, mình hạnh phúc, hãy khiến cho người khác hạnh phúc, mình thành công, hãy khiến cho người khác thành công, hãy cố gắng yêu thương, cống hiến và chia sẻ nhiều hơn. Hãy làm thật nhiều, bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất miễn sao nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác đó cũng là việc thiện rồi.

Nhưng trong thực tế, mọi người không ai biết được mình đã làm gì trong quá khứ nên phần lớn chúng ta không chấp nhận định mệnh hoặc chối bỏ định mệnh. Và mặc dù có nhiều người không tin vào định mệnh nhưng phần đông khi gặp khó khăn đau khổ, không thành đạt thì người ta thường đổ lỗi cho Thượng đế không công bằng, đối xử bất công với họ. Người ta thường nhìn những người hạnh phúc và thành đạt bằng ánh mắt đố kỵ và cho rằng sự thành đạt của những người này là do được Thượng đế thiên vị. Hay nói một cách khác là họ cho rằng những người này nhờ may mắn, có thời, hoặc trời cho chứ thực ra họ chẳng tài cán gì. Quả thực làm Thượng đế không hề dể chút nào Ngài luôn bị con người cầu xin những điều mà họ đã không muốn tạo ra (và kỳ thực là con người luôn muốn cầu xin cái mình không có, nhưng lại không muốn tạo ra cái mình cần) Ngài luôn nghe những lời than thở và trách móc của con người.

Khi phân tích về định mệnh, chúng ta nhận ra rằng việc con người không chấp nhận hoàn cảnh thực tại của bản thân, thường là nguyên nhân tạo ra nỗi khổ. Người không chấp nhận hoàn cảnh thực tại, thì tự trong lòng đã sản sinh ra sự buồn chán, sự đố kỵ, ganh ghét, lòng ham muốn, và nhiều tính xấu khác ẩn tiềm trong suy nghĩ. Từ đó sẽ tạo ra cho họ một ước muốn là bằng bất cứ mọi giá và làm bất cứ điều gì để thay đổi nhanh chóng hoàn cảnh hiện tại hoặc kết thúc nó. Chúng ta biết rằng khi ai đó đang ở trong một hoàn cảnh không tốt, mà bản thân họ không chấp nhận hoàn cảnh thực tế thì thường là họ sẽ đi tắc để tìm kiếm thành công. Nhưng trên thực tế, nếu họ làm như vậy thì phần lớn những hành động của họ sẽ dẫn họ đến thất bại và rất có thể cuộc đời họ sẽ càng tồi tệ hơn. Ví dụ: Một người sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng họ không chấp nhận mình là con nhà nghèo, họ muốn nhanh chóng có tiền thật nhiều để thỏa mãn các nhu cầu ăn chơi, tiêu xài cho bằng bạn bè. Những người này phần lớn sẽ đi vào con đường xấu và rất có thể trai thì trở thành trộm cướp, gái thì trở thành kẻ bán thân. Ví dụ: Là một người không được học hành tử tế, tri thức rất hạn hẹp, giao tiếp rất kém cỏi nhưng họ không chấp nhận điều đó và không nhìn thấy được sự yếu kém của mình. Lúc nào họ cũng muốn làm những công việc to tác hơn người, tất nhiên người đó sẽ đi đến thất bại. Ví dụ: một người đang mang một căn bệnh nhưng họ không có phương án chữa trị bài bản và khi cơn đau xuất hiện thì họ lại uống hoặc tiêm chích thuốc giảm đau, nhằm muốn kết thúc ngay cơn đau. Tất nhiên, việc làm này của họ sẽ gây nên hậu quả. Ngoài ra, còn những hoàn cảnh mà con người bắt buộc phải trải qua như tuổi già và cái chết những điều mà chúng ta không tránh khỏi. Nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận những điều đó và coi nó như là một lẽ tự nhiên gắng liền với cuộc đời của mỗi con người thì rất có thể chúng ta sẽ không còn cảm thấy sợ hãi và coi nó như là một nổi khổ nữa.

Không chấp nhận hoàn cảnh thực tế của bản thân hoàn toàn khác với biết chấp nhận hoàn cảnh thực tế của bản thân. Chấp nhận không có nghĩa là chấp nhận buông xuôi, mà chấp nhận để biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào, vị trí hiện tại của mình trong cuộc đời, vị trí của mình trong gia đình cũng như trong xã hội và biết đánh giá thực lực của bản thân… Vì vậy, khi một người biết chấp nhận hoàn cảnh thực tại của bản thân, cũng có nghĩa là chấp nhận định mệnh nên họ biết phải làm gì để phù hợp với hoàn cảnh thực tại, từ đó họ sẽ phấn đấu tìm kiếm cơ hội thành công, cũng như niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời, để rồi dần theo thời gian các cảm giác về nổi khổ cũng sẽ không còn quá nặng nề đối với họ nữa.

Thực tế chúng ta sẽ không thể nào loại bỏ được lòng ham muốn, sự đố kỵ, đam mê, giận ghét, buồn chán…ra khỏi tâm hồn để làm cho ta hết khổ. Vì trong tâm hồn của mỗi chúng ta luôn tồn tại các tính chất tình cảm cả tốt lẫn xấu. Điều cần làm của chúng ta ngay lúc này không phải là từ bỏ mà hãy để qua một bên những

gì mà chúng ta cho rằng không có lợi cho bản thân trên con đường đạt đến sự hoàn hảo. Chúng ta đã biết từ xưa đến nay đã có không ít các bậc tôn sư tự nguyện đến trái đất và mang thể xác của người trái đất để dẫn dắt chúng ta. Nhưng chúng ta cũng biết rằng để có được sự thánh thiện và hoàn mỹ như vậy thì bản thân họ cũng đã từng trải qua một quá trình luân hồi và tiến hóa lâu dài mới đạt được sự thánh thiện hoàn hảo đó, chứ họ không phải là những người được Thượng đế tạo ra để trở thành Thần thánh ngay tức thì. Vì thực tế đó nên Đức Phật Thích Ca đã nói rằng “hôm nay ta là Phật thành ngày mai các con sẽ là Phật thành” và các cỏi Phật mà Ngài thường nhắc đến chính là các sự sống đã tiến hóa cao trong vũ trụ.

Chúng ta nên hiểu rằng mọi điều mà hôm nay chúng ta cho rằng là sự đau khổ, bất hạnh hay hạnh phúc, giàu sang, danh vọng là điều mà Thượng đế muốn chúng ta ai cũng phải bước qua trong cuộc sống này. Ngài biết rằng linh hồn chúng ta thực sự cần đến những trải nghiệm thực tế đó để linh hồn của chúng ta có cơ hội trưởng thành. Cuộc sống vốn dĩ phải là như vậy trong đó có cả tốt lẫn xấu, cả thiện lẫn ác muôn màu muôn sắc. Thượng đế là nhà sáng tạo vĩ đại nhất Ngài sáng tạo mọi thứ trong vũ trụ, mọi điều trong cuộc sống. Ngài tạo ra sự đau khổ để ta biết trân quý hạnh phúc, tạo ra cái ác để ta biết cái thiện là tốt đẹp, tạo ra cái tà để ta thấy chính nghĩa là cao cả, tạo ra côn trùng sâu bọ để ta biết giá trị của các loài địch hại.

Nhưng từ xưa đến nay có lẽ cũng đã có không ít người đặt câu hỏi, nếu Thượng Đế là có thật thì tại sao Ngài không lộ diện. Chúng ta nên tự hiểu rằng trình độ tiến hóa của nhân loại còn rất thấp, vì vậy nếu Thượng Đế xuất hiện với bất cứ hình thức nào thì loài người cũng khó chấp nhận. Hiện tại rất nhiều người nhận thức sai lệch về Thượng Đế, cho nên nếu Ngài xuất hiện bằng đĩa bay có lẽ con người sẽ dùng tên lửa để tiêu diệt. Còn nếu Ngài tiếp tục xuất hiện bằng hình thức như Đức Chúa Giê-su thì chắc rằng con người lại đóng đinh Ngài. Hơn nữa Thượng Đế chính là Thượng Đế, Ngài không cần thể hiện mình với bất cứ ai. Cũng có nhiều người hỏi nếu Thượng đế là có thật thì tại sao Ngài lại để cho thế giới luôn chìm đắm trong chiến tranh chết chóc, tội ác khắp nơi, đau thương khắp chốn. Tốt hơn thì chúng ta đừng nên hỏi Thượng đế và hỏi thế giới tại sao lại như vậy, thế giới có được như hôm nay là một quá trình lao động và sáng tạo của nhân loại. Tốt hơn nữa thì ta nên tự hỏi mình đã góp sức xây dựng cho xã hội và thế giới được điều gì.

Ngoài ra, Họ cũng hỏi tại sao Thượng đế muốn loài người hoàn hảo nhưng ngài còn tạo nên những điều xấu xa tồi tệ. Qủa thật nếu Thượng đế tạo ra tất cả mọi thứ đều hoàn hảo, thì có lẽ thế giới chưa từng bao giờ tồn tại. Nếu Thượng đế tạo ra con người hoàn hảo ngay từ đầu thì con người không phải là con người mà là người máy và thế giới sẽ không có từ tiến hóa. Mọi điều xảy ra cho ta là do ta tạo nên, mọi điều xảy ra trên thế giới là do tất cả chúng ta tạo nên. Mọi diễn biến xảy

ra trong xã hội và thế giới là quá trình tiến hóa, nếu chúng ta cho rằng thế giới hiện tại là chưa tốt vậy thì ngay từ hôm nay tất cả mọi người cùng nhau thay đổi chắc chắn tương lai không xa thế giới sẽ tốt hơn. Thay đổi là một sản phẩm đặc trưng của tiến hóa, con người muốn tốt hơn, thế giới muốn tốt hơn thì mỗi người trong tất cả chúng ta cùng nhau thay đổi. Không có bất cứ ai có thể giúp ta thay đổi nếu ta không muốn thay đổi. Vì vậy, với câu hỏi Thượng đế có thực sự tồn tại hay không? thật khó để trả lời sao cho hợp lý và tiến hóa là một quá trình chứ Thượng đế không sáng tạo ra tiến hóa.

Thượng đế không thể tạo ra tất cả mọi thứ đều tốt đẹp, không thể tạo ra mọi thứ xuôi về một chiều vì nếu Ngài làm vậy sẽ không phù hợp với quy luật tự nhiên. Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại việc của Thượng đế, để nói đến chuyện của loài người và tự đánh giá cái gì là tốt cái gì là xấu ví dụ: khi nhà bác học Alfred Nobel phát minh ra thuốc nổ hay các nhà khoa học phát minh ra lý thuyết về phản ứng hạt nhân. Chúng ta thấy rằng bản chất của nó là không có tốt và xấu, không có đúng và sai, chỉ đến khi con người chọn nó sử dụng vào mục đích chiến tranh thì nó trở thành xấu, nếu con người chỉ chọn nó vào phục vụ cho lợi ích con người thì nó trở thành tốt. Ví dụ, khi các nhà khoa học phát minh ra tia lazer, nếu con người chỉ sử dụng vào mục đích y học cứu người và phục vụ vào những mục đích mang tính hữu ích khác thì đây quả thật là một phát minh quá tốt. Nhưng con người còn ứng dụng nó để tạo ra vũ khí giết người, nhìn theo góc cạnh này thì phát minh này quả thật là xấu.

Vì vậy, Thượng đế sáng tạo ra đàn ông thì phải tạo ra đàn bà, tạo ra đực phải có cái, trên có dưới, trước phải có sau, trái phải có phải, cao có thấp, tốt phải có xấu, đúng phải có sai, thiện phải có ác. Mọi việc xảy ra tự bản chất của nó không có đúng và sai, không có tốt và xấu, không có thiện và ác, không có vinh và nhục mà tất cả những điều đó được xác định và đánh giá bởi ý thức của con người. Một con chim bay trên bầu trời quan sát chúng ta, dưới con mắt của nó không có gì là đúng hay sai, tốt hay xấu, thiện hay ác nhưng con người thì phân biệt được. Con người nhận thức được điều này bởi con người có linh hồn hay nói chính xác hơn là con người có chương trình phần mềm ý thức được Thượng đế sáng tạo và ban tặng cho chúng ta.

Dưới con mắt của người quan sát thì Thượng đế cho rằng không có gì xảy ra trong cuộc sống là không cần thiết đối với một linh hồn đang trong quá trình tiến hóa. Khi ta trải nghiệm niềm hạnh phúc thì ta phải biết nên làm gì để không rơi vào lại đau khổ. Nhưng khi ta trải nghiệm sự đau khổ thì đôi khi đó cũng là một cái phúc, bởi nó giúp ta biết trân quý hạnh phúc và cố gắng tạo ra hạnh phúc. Khi ta sống trong mùa đông băng giá, ta mới quí trọng những ngày hè ấm áp. Cuối cùng sau nhiều lần trải nghiệm mọi thứ trên đời, qua nhiều kiếp làm người chúng ta sẽ biết chọn cách sống nào là tốt nhất cho tiến trình đạt đến sự hoàn hảo nhất về tinh thần và ý thức. Thượng đế luôn ý thức cao nhất về những việc mình đang làm, Ngài luôn tìm cách đem lại cho chúng ta những gì tốt nhất nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết. Trong mắt của Thượng đế không có gì gọi là trừng phạt, không có gì gọi là nghiệp chướng mà mọi việc xảy ra chỉ là do luật nhân quả, chúng ta sẽ không bao giờ hư mất mà tất cả rồi ai cũng sẽ đạt được điều ước muốn cuối cùng. Tất cả mọi điều mà hôm nay chúng ta cho là sự dữ hay tội lỗi không đưa ta đến hỏa ngục và trong thực tế không bao giờ tồn tại cái gì gọi là hỏa ngục. Thiên đàng và hỏa ngục là hai hạn từ chỉ về một nơi chốn không có thực nó chỉ là cách nói, cách nghĩ của con người. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được thiên đàng sau cái chết, chúng ta chỉ thực sự đạt được nó khi chúng ta đang sống, tức là con người trong trạng thái tâm trí, tinh thần và thể xác cùng nhau hoạt động. Nhưng Thiên đàng mà ngày sau chúng ta sẽ sống trong đó, không phải là một nơi chốn xa xôi nào đó, mà chính là nơi đây. Nhưng ngược lại có khá nhiều người tin rằng sau khi chết linh hồn con người  sẽ về với chúa, sẽ lên thiên đàng vậy chúng ta tự hỏi những gì mà họ nghĩ có thực sự đúng không, quả thực là họ không sai. Nhắc lại những gì đã được trình bày trong chương 3, thì trong thời điểm hiện tại khi ta chết Thượng đế sẽ thu hồi linh hồn của ta về nơi vương quốc mà Ngài đang ngự trị, để chuẩn bị cho quá trình luân hồi. Vì vậy, niềm tin của họ đã đúng khi cho rằng sau khi chết linh hồn sẽ lên thiên đàng, nhưng quả thật cho dù sau này chúng ta đã được cứu rỗi thì chúng ta cũng không có ai được sống nơi vương quốc của Thượng đế mà chúng ta vẫn tiếp tục sống trên trái đất này. Nhưng chết là thế nào chúng ta có thực sự chết không? Qủa thật, chết cũng là một hạn từ để chỉ trạng thái khi mà linh hồn rời bỏ thể xác để tìm kiếm cơ hội tiến hóa trong một thể xác mới. Thực ra thì chúng ta không bao giờ chết và linh hồn của chúng ta là bất tử, cái chết chỉ xảy ra với thể xác, còn linh hồn sẽ tạm thời ngưng hoạt động. Nhưng trong hiện tại không có nhiều người tin linh hồn con người là có thật và bất tử, cũng không có nhiều người tin vào luân hồi. Thượng Đế đã tiết lộ cho ta quá nhiều thông điệp về vấn đề này, qua sự chỉ bảo của các bậc tôn sư đến các hiện tượng rất thực tế như luân hồi nhớ kiếp trước và nhiều bằng chứng khác mà mỗi chúng ta có thể tự cảm nhận được, nhưng chúng ta vẫn không tin điều đó là sự thật. Chúng ta đòi hỏi phải có bằng chứng khoa học với những chứng minh thực tế, nhưng thử hỏi liệu có một nhà khoa học nào thuyết phục được chúng ta hơn là tự chính ta chứng minh và trải nghiệm. Quả thực chúng ta đã trải nghiệm vấn đề luân hồi quá nhiều rồi, chúng ta cũng đã tự kiểm chứng điều đó ngay trong chính bản thân mình quá nhiều lần. Nhưng con người vốn dĩ luôn hoài nghi nên có nhiều người vẫn không tin vào một sự thật không có gì thật hơn, một sự thật không thể chối từ. Qủa thật nếu chúng ta vẫn không tin vào sự thật này sẽ là thảm họa cho chính chúng ta. Vì khi ta không tin vào linh hồn bất tử và luân hồi, tức là ta cho rằng khi ta chết là mọi chuyện kết thúc, từ suy nghĩ này nên sẽ có không ít người sống bất chấp miễn sao đạt được điều mình muốn, miễn sao có cái mình cần. Họ sẽ chẳng cần sống tốt, sống đạo đức, họ cũng chẳng cần lòng nhân ái, không cần thiết phải thương xót quan tâm đến ai vì họ cho rằng chết là xong, bận tâm đến ai chi cho mệt mỏi. Các nhà lãnh đạo không tin vào linh hồn bất tử và luân hồi họ sẽ thiếu động lực thúc đẩy cho thế giới hòa bình và làm cho thế giới xích lại gần nhau, các nhà khoa học không tin họ sẽ thiếu động lực nghiên cứu những dự án dài hơi, các nhà hoạt động môi trường không tin sẽ thiếu động lực tạo ra các dự án cứu lấy trái đất v.v…

Có lẽ chúng ta đã đi xa một chút, nhưng thực ra nếu chúng ta không có những bước đi này chúng ta sẽ không thực sự hiểu được ý nghĩa đích thực của định mệnh, tầm quan trọng của luân hồi. Khó có thể hiểu được ý nghĩa của luật nhân quả và chúng ta không thể xác định được ý định của Thượng Đế dành cho chúng ta trong tương lai.

Tóm lại, trong kế hoạch toàn tri, Thượng Đế đã thiết lập những qui luật vận hành cho mọi sự sống trong vũ trụ, trong đó có định luật nhân quả là một định luật phản ánh mọi sự thật rất hiệu quả và chính xác. Hôm nay, cho dù chúng ta có tin vào định mệnh hay không thì điều đó cũng không có gì quan trọng. Nhưng chúng ta không thể không tin luật nhân quả là sự thật, mà luật nhân quả là cha đẻ của định mệnh. Trên thực tế tầm ảnh hưởng của luật nhân quả quá lớn, vì vậy khi nói đến sự phản hồi của luật nhân quả ảnh hưởng đến con người, chúng ta lại phải sử dụng từ định mệnh. Thượng Đế sắp đặt định mệnh cho con người rất tự nhiên, khiến chúng ta nhầm tưởng mọi việc xảy ra với chúng ta là do may rủi ngẫu nhiên, trùng hợp tình cờ. Tất cả mọi kết quả tốt hoặc xấu có trong định mệnh đều do con người tạo ra trong tiền kiếp. Thượng Đế không trừng phạt bất cứ một người nào, Ngài luôn đối xử công bình với tất cả mọi người. Thượng Đế và các Thiên Thần thực hiện việc duy trì công đạo theo luật nhân quả một cách tuyệt đối công bình để giúp đỡ loài người tiến hóa. Khi điều hành lộ trình định mệnh cho con người, tất cả các Thiên Thần phải thực hiện đúng với các luật lệ mà Thượng Đế đã đặt ra không được tự ý thay đổi (tất nhiên là các Thiên thần luôn ý thức được điều này). Nhưng với quyền năng vô hạn của Thượng Đế, nên Ngài có thể xuất hiện bằng nhiều hình thức khác nhau trên Trái đất và Ngài có thể ban thưởng hoặc giúp đỡ cho tất cả những ai cố gắng sống tốt và phấn đấu cao, theo luật ân điển mà không cần phải căn cứ vào định mệnh. Tất cả mọi chúng ta ai cũng có thể hưởng được luật ân điển của Thượng Đế để vượt qua định mệnh ban đầu nếu con người cố gắng thay đổi.

Định mệnh là một phần quan trọng của Thượng Đế trong kế hoạch mở rộng sự sống và thúc đẩy tiến hóa trên phạm vi toàn vũ trụ. Định mệnh là một biện pháp hiệu quả giúp Thượng Đế duy trì luật nhân quả và rất công bình cho tất cả mọi sự sống chưa được cứu rỗi, chứ không phải chỉ dành riêng cho sự sống của con người trên Trái đất. Định mệnh là một thông điệp của Thượng Đế giúp con người làm lành lánh dữ, từ đó sẽ đưa con người đến với cuộc sống trường sinh bất tử, tự do hoàn toàn và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong tương lai.